Trong bài ‘Con ma nhà họ Vương’ trên blog tui có nói thẳng về “thời lượng” đồng tính mà phim này tập trung vào là quá đà so với yếu tố kinh dị mà nó thể hiện.
Các nam nhân ’50 phần trăm’ trong đây phô bày khía cạnh này bằng việc cởi trần khoe thân, gần như chứng minh đây là điều dễ nhất họ có thể làm nếu được yêu cầu phải thể hiện lên phim mà không nghĩ ra 1 cách khác hơn.
Bộ khó lắm hả ta?
Nên dù không đành lòng nhưng vẫn phải nói…
Đó là hạn chế! Đó là sai lầm! Nó phá hủy cả ý tưởng của bộ phim mà không hề hay biết và càng làm dấu ấn tồi tệ của phim Việt trong mắt fan phim ngày càng tệ hơn. Có lẽ chẳng bao giờ chạm đáy tồi tệ với cách làm như vậy.
Mà hay quá, phim Yêu (Love) 2015, chẳng biết tình cờ hay có chủ ý, đã KHÔNG phạm phải sai lầm đó. Nhờ vậy, biến nó trở thành 1 phim LGBT dễ thương và đáng xem nhất Việt Nam thời điểm này.
Bạn tán thành chứ? Tốt, không trả lời coi như đồng ý.
Vậy tiếp theo, tui sẽ liệt kê đơn giản những điều nổi bật nhất của phim Yêu.
Thứ nhất, ‘Yêu’ thể hiện tình yêu đồng tính nữ nhưng không hề dung tục!
Không sex!
Không có mấy màn khoe thân táo bón… ấy nhầm, táo bạo như của cái phim ấy ấy trên kia (thực ra theo ý kiến của tui là 2 nữ chính Chi Pu và Gil Lê có kêu cũng chẳng dám khoe đâu) nhưng Yêu lại đong đầy tình cảm đó bằng 1 phong cách dễ thương và giản dị hơn rất nhiều.
Chính điều đó chi phối được cảm nhận của người xem và hướng họ tới suy nghĩ mới và thoáng hơn về vấn đề đồng tính, nói tóm lại là tiếp cận người xem dễ hơn, điều không phải dễ dàng được chấp nhận ở đa số người Việt còn sống trong thời kì phân biệt giới tính và kỳ thị đồng tính như hiện nay.
Có lẽ cũng nhờ vậy mà dẫn tới việc đón nhận đồng tính nam 1 cách dễ dàng hơn, thay vì cứ hở 1 chốc là cởi và khoe múi, chỉ càng khiến người ta phát sinh thành kiến hơn, thậm chí phát bệnh.
Trước lúc xem phim, tui là người kỳ thực dị ứng với chủ đề này, đã vậy còn cho rằng Yêu cũng chẳng khá hơn bất kỳ phim nào đã từng xem về đề tài đồng tính.
Còn sau khi đã xem, tui có 1 cảm nhận khác đi nhờ cách xem phim với thái độ khách quan tuyệt đối mà hiếm người nào có.
Thứ hai, ‘Yêu’ có cách làm phim biết kết hợp giữa nội thất truyền thống và ‘ngoại thất’ Hàn Xẻng
Yêu bắt đầu từ câu chuyện của Tú và Nhi cách thời điểm hiện tại hơn 10 năm, có lẽ là vào những năm 90 gì đấy.
Nên là dễ dàng thấy ngay không gian nhà cửa và trang trí nội thất cũng còn dư vị của thời kỳ này. Những năm đó các bộ ghế salon, những chiếc tivi màu chiếm diện tích vẫn còn là xu hướng ngự trị ở đa số gia đình Việt Nam và dần trở nên hiếm hoi chỉ sau đó chừng 10 năm.
Vài nỗ lực tái hiện không gian đó trong ngôi nhà của gia đình Tú hay Nhi đều cho thấy sự quan tâm kỹ lưỡng tới yếu tố này.
Tui dám cá những ai từng sống tại Sài Gòn thời kỳ đó đều dễ dàng tìm lại được trong trí nhớ.
Khi cả 2 lớn lên và bắt đầu nảy sinh dòng tâm tư của riêng mình vì hoàn cảnh gia đình, thì bên cạnh những nội thất ban đầu còn giữ nguyên, phim bơm vào đó chút trữ tình lãng mạn kiểu Hàn Xẻng với các cảnh quay, góc độ và lời thoại mà hẳn fan phim Xẻng cũng phải thốt lên “Chời m ơi, sao giống thế!”
Nhờ vậy mà dễ dàng được đón nhận vì đánh động vào tâm lý sướt mướt của đa phần người. Diễn biến tình yêu và mối quan hệ của Nhi (Chi Pu) và Tú (Gil Lê) cũng phần nào nói lên điều đấy khi những cảnh khóa môi hay ánh mắt trìu mến nhìn nhau cũng phác họa nên nhiều điều.
Thứ 3, ‘Yêu’ tận dụng và phối các bài hit nổi nhất của Chi Pu một các khéo léo và đồng điệu với tình tiết
Điều này làm cho 1, 2, 3 lần tui phải nổi da gà khi nghe được các ca khúc này bật lên vào những khoảnh khắc cần thiết nhất.
Việc tái hiện dòng ký ức của Nhi và Tú cũng làm bản hit ‘Yêu’ bắt đầu nói lên chất lượng chuyên môn không hề tồi của nhà làm phim.
Đầu phim, giai đoạn tuổi thơ đi học của Nhi và Tú mang màu sắc tươi vui, giữa phim là sức sống của tuổi trẻ, cuối phim thì tuôn trao cảm xúc. Tất cả bài hát được sử dụng đều giúp đẩy cảm xúc ở từng phân đoạn lên cao nhất có thể.
Tuy nhiên ‘yêu’ không chỉ là tình cảm Chi Pu và Gil Lê với nhau như ai cũng nhìn vào sẽ dễ thấy, mà đạo diễn còn bất ngờ đánh thức khái niệm này ở góc độ cao hơn là thể hiện nó trong tình cảm giữa cha mẹ Tú, giữa bà ngoại và Nhi dành cho nhau.
Có thể nói “yêu” không còn là tình cảm của 2 con người này nữa mà lại triển nở ra thành từ ngữ dễ tiếp nhận hơn, khéo léo che đậy tình yêu đồng tính nữ bị xã hội kì thị đằng sau ý nghĩa lớn hơn của nó.
Thứ 4, ‘Yêu’ có lớp diễn viên trẻ đẹp bắt mắt
Tất nhiên không chỉ có vậy… ở đây tui nhấn mạnh 1 số cái nhìn thấy được từ các diễn viên đảm nhận vai diễn.
Chi Pu đã làm tui nghe lại được giọng nói con gái Hà Nội dễ thương tới dường nào, thứ mà lâu lắm rồi mới được nghe từ những phim Hà Nội chính chuyên (chẳng rõ phải giải thích chỗ này ra sao nữa).
Gil Lê chẳng biết ngoài đời có giống giới tính trong phim hay không nữa, nhưng hình tượng bạn này đóng trong ‘Yêu’ khá là đạt, mạnh mẽ kiểu con gái thích làm chồng, có cá tánh rõ rệt.
Bê Trần được cái nét khá giống Sơn Tùng, giọng cũng na ná, trong phim có số thiếu gia đào bông nhưng lại chung tình theo 1 cô gái không yêu mình rồi rùng mình khi thấy em ấy yêu người cùng giới tính. Chắc phải số nhọ lắm mới được như vậy.
Phở, vai Miến, cũng tạm chấp nhận là tròn vai, dù nhân vật mà anh bạn này đóng ít tồn tại ngoài đời. Một số thoại hài của Phở cũng không thấy buồn cười cho lắm và không như tui tưởng tượng.
Và còn 1 nhân vật khác tui rất thích nhìn, không phải vì đẹp, mà nhìn hậu quả mà em ấy nhận. Đây…
Cô ấy làm tất cả để lấy lòng anh thiếu gia nhưng cuối cùng chẳng được cái gì trong tay cả, nên cũng như người ta hay nói là 'buồn cười ***'!
Tóm lại, ‘Yêu’ làm được khá nhiều điều, là phim đồng tính đầu tiên mà mình chấp nhận xem với thái độ khá thoải mái và nhận thấy những điểm tích cực, cởi mở.
‘Yêu’ mang lại cảm giác nhẹ nhàng và đẹp đẽ, không quá cầu thị mà vẫn giữ được phong độ suốt từ đầu tới cuối, chứ không bị tuột mood giữa chừng như Ma Dai.