Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh - Khi kỷ xảo lên ngôi

Công chiếu Tết Bính Thân 2016, Tây Du Ký 2: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh đã hớp hồn khán giả bởi hàng loạt kỹ xảo hoành tráng, gây ấn tượng từ đầu tới cuối.

Phim được đầu tư kỹ lưỡng với dàn diễn viên gạo cội và kỹ xảo không thua kém bất kỳ phim bom tấn nào của Châu Âu, nhưng hình như... vẫn có gì đó chưa làm thỏa mãn người xem cho lắm, trong đó phải kể đến tình tiết, nhịp độ, gam màu, tâm lý các nhân vật trong phim.

Tuy vậy, vẫn có 3 điểm đáng được hoan nghênh khi xem Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh:

Khúc nhạc Tây Du Ký 1986 cất lên vào cuối phim

Đây nên được coi là một vũ khí để hấp dẫn người xem vì với rất nhiều người, đoạn nhạc này chính là tuổi học trò & những ngày hè của họ.

Biết bao phiên bản Tây Du Ký đã ra đời kể từ năm 1986 đến nay, nhưng người ta vẫn cho rằng chưa có phiên bản nào vượt qua cái bóng quá lớn của nó. Ai cũng nhớ tới Lục Tiểu Linh Đồng khi nói về nhân vật Tôn Ngộ Không hơn bất kỳ diễn viên nào khác từng “hóa khỉ”.

Đồ họa, kỹ xảo thuộc hàng “bá”

Điều này giúp tạo nên những thước phim hoành tráng, tỉ mỉ.

Nếu bạn không bị choáng ngợp khi Tiểu Bạch Long xuất hiện, không thấy nuột nà trong những lần Bạch Cốt Tinh hiện thân hoặc biến hình hay không bị hoảng hồn khi con “Titan” Bạch Cốt Tinh thành hhìn vào cuối phim thì.... tôi có lẽ phải coi lại “tâm hồn phim ảnh” của mình.

Mọi chi tiết về đồ họa đều làm khán giả mãn nhãn, điện ảnh Trung Quốc ngày càng tiệm cận các nền điện ảnh tiên tiến về mặt này.

Câu nói hay của nhân vật trong phim

Đây là bộ phim bạn liên tục được nghe những câu nói đầy nhân văn, triết lý, mà ngẫm thấy cũng có lý chứ không sáo rỗng lắm.

Nếu bạn mong muốn nâng cao kỹ năng hòa giải thì có thể học hỏi cách tiếp cận của Đường Tăng khi tự mình leo lên vách núi gặp Ngộ Không để thứ lỗi.

Nếu bạn chuyên sưu tầm câu nói hay thì nên xem phim này. Tôi còn ghi lại ở đây một vài câu khá hay:

Vòng kim cô này rất dễ tháo, chỉ có vòng kim cô trong tâm con thôi” - lời Đường Tăng khi Ngộ Không vừa giết người trước mặt mình.

Hỏa nhãn kim tinh của người nhìn thấy chân tướng, nhưng cái sư phụ người nhìn thấy là tâm tướng” - Bồ Tát “say sưa” giảng giáo cho Ngộ Không.

Nếu mình ko vào địa ngục, thì dù có đến đại lôi âm tự, cũng không thỉnh đc chân kinh” - Đường Tăng hy sinh mạng sống vì Bạch Cốt Tinh

Cho dù vậy thì phim vẫn không thiếu những chi tiết được chăm chút quá đà, làm mất đi “độ bám dính” với khán giả xem phim.

Đầu tiên phải kể đến là Trư Bát Giới

Thường xuyên và liên tục các câu thoại cố gắng gây cười cho khán giả nhưng không nuột nà cho lắm của Bát Giới. Có gì đó hơi lố trong màn trình diễn của mình làm Bát Giới trở nên kệch cỡm hơn là hài hước.

Biến hóa rườm rà của Bạch Cốt Tinh

Kỹ xảo hóa phép cho các nhân vật trong phim rất tuyệt vời, tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy có những lúc không cần sử dụng quá nhiều trong những màn biến hóa của các nhân vật, đặc biệt là Bạch Cốt Tinh.

Có những phân đoạn biến hóa của nhân vật này mất đâu gần 20 giây mới thành hình, biến hóa chậm rãi làm người xem không khỏi khắc khoải tự hỏi đến bao giờ xong. Điều này cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi tiết tấu chậm rãi của bộ phim, nhưng đúng là ức chế chịu không nổi.

Các tình tiết sao chép

Nếu đã từng xem Iron man, hẳn bạn sẽ thấy có gì đó tương đồng khi đến cảnh Ngộ Không mặc giáp, các bộ phận áo giáp tự động biết chủ nhân mà bay đến, dù lúc ráp xong thì không thấy Ngộ Không trở nên oai phong hơn chút nào.

Cảnh Bạch Cốt Tinh biến hình thành bộ xương khổng lồ khá giống trong Attack on Titan, phim hoạt hình nổi tiếng được nhiều người xem.

Hay như lúc Ngộ Không biến thành hàng trăm Ngộ Không khác để tấn công Bạch Cốt Tinh, cảnh đấy làm mình nhớ lại thuật phân thân của Naruto.

Nhiều tình tiết khác trong phim cũng được “sao chép”, nhưng chắc phải thông cảm vì ekip làm đồ họa và kịch bản phim được mời từ Hollywood về nên không tránh khỏi sử dụng lại ý tưởng cũ trước đây.

Hình tượng Bồ Tát

Nhiều người cho rằng hình tượng Bồ Tát trong Tây Du Ký 2 không thoát tục lắm, quả thật là so với các phiên bản trước đó, lần này khá làm người xem phải thất vọng vì hình ảnh không mấy thanh thoát, cá nhân mình nhận thấy trang phục của Bồ Tát phù hợp với lực lượng Thiên Đình hơn.

Kết luận: Nhìn chung phim có kịch bản tương đối ổn dù không sát với nguyên tác, nhịp phim chậm, gam màu khá tối làm khá bức bối khi xem hoặc tồn tại những phân đoạn khá vô lý. Nhưng Tây Du Ký 2 là phim đáng xem nếu bạn yêu thích kỹ xảo mê hoặc hay những cảnh chiến đấu ấn tượng, hoặc thích sưu tầm triết lý sống cao đẹp.