Ngoài mấy cái tên nhân vật khó đọc, khó nhớ ra thì The Last King có nội dung hết sức đơn giản và gần gũi với bao lứa tuổi khán giả Việt Nam từng xem phim Trung Quốc.
Một ông vua bị gian thần hãm hại để đạt lấy ngai vàng bằng cách cưới ai đó thuộc hoàng tộc rồi đường đường chính chính nắm quyền, nhưng tự nhiên ông vua trước khi chết còn cho hay có thằng con riêng nào ngoài kia (chuyện này làm mình cứ nghĩ mấy tay vua ngày xưa ra ngoài chơi bời chắc hãi lắm).
“Mau đi tìm về cho nó nối ngôi tau, rồi tính gì tính.” - kiểu thoại mà mình nghĩ ra được.
Dĩ nhiên số phận thằng bé ngoài kia đâu có được yên, gian thần hẳn phái người truy sát bằng mọi cách, nhưng may mắn cho em là luôn có những trung thần chân chính hy sinh bảo vệ, rồi trở về lật lại thế cờ, lên nắm ngôi trong sự sung sướng nức nở của dân chúng.
“Vua của chúng ta đây rồi!”, hết phim và gian thần phản bội bị bắt.
Một mô tuýp hoàn toàn cũ rích mấy mươi năm nay được tái hiện, chỉ khác là phim này diễn ra ở Thuỵ Điển chứ không phải Trung Quốc thời Minh, Thanh.
Hẳn nhiên để cốt chuyện như vậy diễn ra thuận lợi thì phải đặt trong bối cảnh thời phong kiến, chứ thời buổi bây giờ làm sao chơi vậy được, có nhà nước có chánh phủ cả rồi.
Điều gì gây ấn tượng nhất?
Cuộc chiến giành lại ngai vàng của The Last Kinh diễn ra ở Thuỵ Điển, nên những màn chiến đấu giữa các thế lực nhằm tiêu trừ lẫn nhau thường xuyên diễn ra dưới những quả núi tuyết tuyệt đẹp.
So với phim phiên bản Trung Quốc chiến đấu giữa đồng bằng, rừng rú, thì đánh nhau giữa bão tuyết tạo cảm giác khác hẳn. Không có những cuộc hành binh vạn người trên yên ngựa mà thay vào đó là những tay trượt tuyết cừ khôi với số lượng ít ỏi.
Những đường cong vẽ qua vẽ lại như biểu diễn trên nền tuyết trắng, những lần bước chập chễnh bằng ván và gây trượt trong bão tuyết ùa về, tạo cảm giác lành lạnh tận gai óc.
Điều gì trật quẻ nhất?
Phim có tiếng nhạc êm ả, gợi thứ gì đó chỉ riêng dành cho các chiến binh, thứ âm nhạc “rủ rỉ" làm người ta luôn nhớ về những thời gian chinh chiến, có mất mát, có đau thương để giành lấy hoà bình.
Một kiểu nhạc thời trung cổ gợi nhớ lắm thứ trong đầu, phải nghe mới nhận ra. Nhưng thực tình, nghe nhạc đó, mình chỉ nhớ mỗi quang cảnh đại mạc mênh mông, nơi hành quân trên lưng ngựa của Thành Cát Tư Hãn, chứ cảm thấy không phù hợp với cái “ruộng tuyết" trong The Last King cho lắm.
Điều gì buồn cười nhất?
Nếu phải chọn ra thì mình thấy lúc tên lính đầu sỏ tóm được “cục cưng" của nhà vua đã mất cùng đứa con của cô ta, định ra tay thì cô nàng van xin rối rít. Lựa đúng lúc đấy, 1 trung thần của nhà vua bay tới vồ lấy tên lính, quánh chí choé…
Hai bên giằng co mãi chưa dứt, tên lính chiếm thế thượng phong nhờ to khoẻ. Thay vì đặt đứa bé xuống rồi xe trượt rồi kiếm cái gì đó quăng đại vào đầu tên lính kia, thì em ấy chỉ lo giục người lái xe trượt nhanh nhanh đi mau, thằng kia mất mạng kệ nó.
Tới khi anh trung thần bật lại quánh chết tên lính thì em ấy thôi không đi nữa, hết nguy hiểm rồi. Thở phào nhẹ nhõm, căng thẳng qua đi, tinh thần phấn chấn trở lại.
Mình thấy cái ý tưởng cho tình huống này sao sao ấy, nên không khỏi nhoẻn miệng cười.
Chỉ bấy nhiêu thôi, phim không còn gì để nói thêm, hoặc có lẽ mình bỏ sót chi tiết gì đó. Nhưng phim đáng xem nếu bạn tôn thờ chủ nghĩa anh hùng, phẩm chất trung thành và... các chiến binh Thụy Điển.